Hiệp định Đối tác Toàn diện và
Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership),
gồm 11 nước thành viên là: Singapore, Nhật Bản, Canada, Chile, Mexico, Peru,
Malaysia, New Zealand, Australia, Brunei và Việt Nam.
Hiệp định đã được ký kết tại
thành phố Santiago, Chile vào ngày 08 tháng 3 năm 2018 và chính thức có hiệu
lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục
phê chuẩn Hiệp định gổm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New zealand, Australia và
Canada. Đối với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14 tháng 01 năm
2019.
Hiệp định CPTPP là một FTA thế
hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so
với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ
trước tới nay.
Về xuất khẩu hàng hóa, các nước tham gia CPTPP cam kết mở cửa khá cao dành
cho Việt Nam, 78-95% dòng thuế nhập khẩu được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu
lực; các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ
một vài hàng hóa nhạy cảm sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan;
các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau
khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, dệt may, giầy dép, đồ
gỗ, hàng điện, điện tử, cao su....
Về cam kết thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế.
Theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực;
86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu
lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có
hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với lộ trình
xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan./.